Năm hai mươi tư tuổi, em họ tôi đẻ đứa con đầu lòng. Đứa bé đỏ hỏn như lòng trứng gà, bé tí đến nỗi ai động tới cũng rất khẽ khàng vì sợ làm đau. Nó rất mong manh và tôi ngỡ như con bé có thể vỡ tan trong khoảnh khắc. Cái đầu nhỏ như một quả bóng nhựa xanh đỏ và từng ngón tay, ngón chân quặp nhẹ lại trong cái bao tất bé tin hin. Một cái chớp mắt hay một cái nghiêng đầu của đứa bé cũng làm người lớn hồi hộp dõi theo như thể đang mong chờ những sự phản ứng đầu tiên của bé với thế giới kì lạ này.
Tôi tin rằng dù em tôi còn rất trẻ, nhưng con bé đã thấy trong mình một điều gì thật khác thường. Ngày nó về nhà ngoại, người người ra vào tấp nập và ai cũng vây quanh em bé. Mọi người hỏi thăm mẹ em bé, rồi quay sang nhìn và chúc mừng bố em bé, hoặc thảng không sẽ đùa vài câu với cô chú tôi là những người ông bà mới lên chức ở tuổi 5x. Những đứa trẻ tuổi dại khờ chúng tôi thì ngỡ ngàng vì cách đổi xưng hô của hai đứa em, khi cô tôi gọi chúng nó là mẹ nó và bố nó. Hẳn rằng hai đứa đã đi đến một chặng đường thật mới lạ và nhiều xúc cảm. Cũng vui làm sao khi đẻ một đứa con đầu lòng và có nhiều người chăm sóc vây quanh, đỡ đầu, giúp đỡ.
Nhưng bác tôi thì không có “phước phần” - theo như lời các cụ. Bác hơn sáu mươi nhưng không lấy chồng. Tôi cũng không biết tại sao, khi mẹ tôi bảo ngày xưa bác trắng trẻo nhỏ nhắn như một cục bột. Suốt thời trẻ, bác có qua lại với một người đồng nghiệp một thời gian thật dài. Tôi quá nhỏ để hiểu điều đó là sao. Mãi sau sau này người đồng nghiệp kia mất, nhà tôi cũng đi viếng nhưng với một tâm thế thật khác. Mọi thứ cứ lặng lẽ trong âm thầm và trong âm thầm không ai cả muốn nhắc tới thật hiển lộ điều đó là gì. Bác tôi từ đợt ấy tôi nghĩ tựa như đã sang một chương khác của cuộc đời. Không chờ đợi, không mòn mỏi, không khát vọng ước mong. Bác chỉ nuôi đứa cháu của người em trưởng thành mà tôi biết đó là niềm tin và lẽ sống duy nhất của bác. Nhưng bác có công dưỡng mà không có công sinh, rồi một ngày đứa em tôi sẽ đưa bác tới bến bờ ánh sáng hạnh phúc trong cả chặng đường cuộc đời nó ở sau này. Tôi tin là như thế.
Hôm ấy, tôi đã thấy ánh mắt bác khi bác nhìn em bé đang nằm cựa quậy khe khẽ trên đệm giường. Không giống như cô tôi hay chị tôi - những người mẹ đã từng đón con đầu lòng trong đời - bác chần chừ hơn khi muốn động vào em bé. Tôi toan hỏi mấy câu thắc mắc khờ khờ theo kiểu em bé nằm như này có sao không bác, em chớ sữa thì mình phải làm gì với em bé, hoặc sao em cứ ngủ mãi thế,... Nhưng rồi tôi dừng lại. Tôi nhớ ra bác chưa làm mẹ bao giờ. Những câu hỏi ấy cứ tan mãi vào trong cùng luồng suy nghĩ vơ vẩn của tôi mà cũng như đi sâu mãi vào trong đôi mắt bác. Có thể giống như bao người phụ nữ khác, bác vẫn muốn có một đứa con. Bác khao khát một lần được sinh con trong đời, được người khác quan tâm và hỏi han thật nhiều. Sẽ có một đứa trẻ líu lo trong vòng tay bác và kể nghe về câu chuyện hôm nay đi học như thế nào. Hẳn đứa trẻ sẽ sáng bừng đôi mắt rạng rỡ khi nhìn bác và cười khúc khích khi được bác ôm vào lòng đượm hơi thở của tình yêu người mẹ. Một đứa con của riêng mình mà thôi.
Chuyện em họ tôi có em bé, tôi thấy cô chú tôi mừng ra mặt và tất bật luôn luôn. Dường như người ta thích nhất mình bận rộn vào những lúc này. Vì bận rộn là đi kèm với trách nhiệm cao cả và thiêng liêng vô cùng của người đi trước - đỡ đầu đứa trẻ mới chào đời. Chú tôi ẵm con bé con hỏn lọn trong lòng, vỗ về và bao bọc nó với lời yêu thương. Tôi thoáng nhớ ra bố tôi không làm thế được với con tôi. Vĩnh viễn không. Bố tôi chăm có thể còn khéo hơn dù ngày xưa khi tôi ra đời, bố tôi không thường xuyên ở cạnh. Sự dày dạn và can trường của những người đàn ông khiến vòng ôm đứa trẻ thêm vững chãi hơn, cái tã cái bỉm êm và dày hơn tất thảy, như khiến giấc ngủ nó được nhẹ nhàng và bình thản hơn tất cả mọi thứ trên đời.